CAMERA AN NINH
Khi những manh mối từ nhân chứng không đủ để nhận diện nghi can, lực lượng công an phải trích xuất hệ thống camera để điều tra. Nhờ có “Mắt thần” mà công an có thể thành công phá án.
Liên quan đến vụ một cô gái đâm chết anh Võ Thanh Quang (SN 1990; quê tỉnh Kon Tum) tại vòng xoay Dân Chủ (quận 3, TP HCM) tối 24-10. Sau khi lấy lời khai những người liên quan, họa sĩ đã phác thảo chân dung nghi can. Tuy nhiên không thể tìm ra bằng chứng đủ cơ sở khoanh vùng đối tượng.
Mãi đến ngày 26-10, khi Công an quận 3 kết hợp với Công an TP HCM rà soát hàng loạt camera ghi nhận diễn biến lưu thông tại vòng xoay Dân Chủ vào thời điểm xảy ra vụ việc (19 giờ 30 phút) thì mới có những kết luận ban đầu. Một chiến sĩ tham gia điều tra vụ án cho biết nhiều mũi điều tra được triển khai phần nào xác định được nghi can.
Thấy hình ảnh, hết chối cãi
Vụ án trên chỉ là một trong những vụ án được phá nhờ sự hỗ trợ của “mắt thần”.
Đơn cử, vụ ẩu đả trong khách sạn A Lượm xảy ra tối 3-12-2014 tại phường Linh Trung (quận Thủ Đức) làm một cascadeur trọng thương. Manh mối duy nhất được Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Thủ Đức thu thập chính là vật dụng ẩn chứa dấu vân tay của các đối tượng lạ mặt đến gây rối. Khi đến hiện trường, lực lượng điều tra thấy có camera ghi lại cảnh ra vào khách sạn nên đã triệu tập trên 10 thanh niên để lấy lời khai.
Ban đầu, các đối tượng quanh co chối tội nhưng camera đã “tố cáo” toàn bộ quá trình gây rối. Cụ thể, Diệp Quốc Tuấn (SN 1987, quê tỉnh Trà Vinh) dẫn nhóm thanh niên vào khách sạn lưu trú. Tiếp đến, một nhóm thanh niên lạ đi vào phòng của Tuấn. Nhân viên khách sạn Nguyễn Văn Hậu không cho vì vượt quá số người quy định.
Hình ảnh ghi nhận sau đó cho thấy:
Phùng Bé Nhân (ngụ TP Cần Thơ) và Lâm Minh Toàn (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), Trần Quốc Tú (ngụ quận 6, TP HCM; là cascadeur) cầm 3 ghế đẩu xuống quầy tiếp tân tìm Hậu rồi xảy ra ẩu đả giữa nhóm Tuấn và các nhân viên khách sạn. Trong lúc hỗn chiến, Hậu chụp dao gọt trái cây đâm Tú thủng cổ họng. Nhóm của Tuấn rút ra ngoài cùng nhóm thanh niên đang đứng trước cổng bỏ chạy.
Trung tá Nguyễn Văn Phước, Trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), cho biết:
Nửa năm nay, công an phường này đã bắt nhiều tên cướp sau khi gây án.
Vụ giật túi xách của 2 du khách Tây vào cuối tháng 6-2015 là một ví dụ. Theo đó, khi 2 du khách đi bộ ngang qua giao lộ Bùi Viện – Đỗ Quang Đẩu (quận 1) thì một thanh niên nhào tới giật túi xách.
Hai nạn nhân đã đến Công an phường Phạm Ngũ Lão trình báo. Ngay lập tức, các trinh sát truy xuất hình ảnh hệ thống camera giám sát và thu thập tư liệu. Bước đầu đã xác định vóc dáng kẻ cướp giật giống nghi can Lê Ngọc Hiển (31 tuổi; ngụ phường Bến Nghé, quận 1).
Để xác minh thông tin, lực lượng chức năng đã đến tận nhà Hiển để truy xét. Bước đầu, Hiển còn quanh co. Nhưng đến khi đoạn clip được mở ra, y nhìn thấy hành vi của mình nên gục đầu nhận tội.
Trung tá Phước đánh giá:
Kể từ khi lắp đặt 20 camera an ninh trên các tuyến đường trọng điểm. Thì tình hình an ninh trật tự ngày càng ổn định. Cụ thể đã góp phần phá trên 10 vụ ma túy, giật túi xách…
Bớt áp lực cho cán bộ, chiến sĩ
Một cán bộ Phòng Nghiệp vụ Công an TP HCM cho biết thời gian qua đã có hàng loạt vụ án nhờ camera an ninh, giao thông hỗ trợ. Nhiều đối tượng hình sự khi gây án không ngờ hành vi của chúng bị ghi lại. Các trung tâm quản lý “mắt thần” đều nằm tại công an cấp phường, xã; Những dữ liệu kết nối về Công an TP HCM làm bằng chứng bắt nguội các đối tượng gây án.
Thượng tá Trần Văn Ngọc, Phó Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội – Công an TP, đánh giá việc phá án và quản lý tình hình an ninh trật tự qua camera đã giảm bớt áp lực rất lớn cho cán bộ, chiến sĩ công an. Quan điểm của Công an TP HCM luôn ủng hộ việc nhân rộng “mắt thần”.
TS Trần Minh Hãm, chuyên gia kiến trúc làm việc tại Singapore, cho biết:
Ngay tại nơi ông làm việc, mỗi khi ra đường là thấy camera. Theo thống kê năm 2014, bình quân mỗi người dân Singapore được 60 camera giám sát.
TS Hãm nói:
“Mỗi khi mở rộng xây dựng chính quyền là Singapore tính ngay phương án quy hoạch camera quan sát làm sao thuận tiện, dễ dàng. Nhờ camera, người dân nơi đây ý thức rất cao, tỉ lệ tội phạm giảm dần”.
Theo ông, thay vì phải thuê 10 người để quản lý tuyến đường dài gần 1 km thì chỉ cần đầu tư 100 camera cho 3 người quan sát. Chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng về lâu dài sẽ giảm được tiền thuê người quản lý.
TS Hãm đánh giá:
“Các nước trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Riêng TP HCM chỉ mới xây dựng ở mức độ thí điểm tại vài khu vực. Việc đầu tư hệ thống camera an ninh sẽ bảo đảm nhiều nhiệm vụ, chức năng hữu ích”.